Thứ tư,15/01/2025
Chào mừng đến với website Trường THCS Đống Đa

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Quản Trị 27/11/2017 Lượt xem:156

GD&TĐ – Ngày 21/11/2016, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản 5727/BDGĐT-CTHSSV gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

 

Theo văn bản này, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bạo lực học đường diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng được quay video và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp chỉ đạo một số nhiệm vụ sau:

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục học sinh để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường;

Có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ việc học sinh tổ chức đánh nhau ở trong và ngoài trường học; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến có biểu hiện gây mất an ninh, trật tự ở khu vực cổng trường học.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Chỉ đạo ngành Giáo dục địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo từng tháng, từng học kỳ và năm học về phòng chống bạo lực học đường để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”; phát huy vai trò của học sinh tong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường các nguồn lực tạo điều kiện để ngành giáo dục địa phương thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh.

Chỉ đạo Sở GD&ĐT thường xuyên báo cáo công tác phòng chống bạo lực học đường theo từng học kỳ, năm học và báo cáo đột xuất các vụ việc với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời gửi báo cáo Bộ GD&ĐT.

 

Lập Phương

2017-11-27T16:26:52+00:00